Quan điểm bài viết 'Phát âm nhầm l, n là sự đa dạng ngữ âm, không phải nói ngọng' của tác giả Kiên Hoàng là chưa đúng.
Lâu nay, việc phát âm nhầm l/n bị coi là lỗi phát âm, là nói ngọng. Trước năm 1975 ở miền Bắc cũng lấy quan niệm này làm chuẩn; sau năm 1975 trên phạm vi cả nước đều coi nói nhầm l/n là lỗi phát âm, là ngọng.
Lỗi nói ngọng này có thể đã có từ rất xa xưa. Ví dụ rõ nhất là những tên riêng. Lên thần Cao Nỗ (trong truyền thuyết Hùng Vương) bị người ta nói nhầm thành Cao Lỗ, thế rồi qua thời gian, nghe như Cao Lỗ là chuẩn, các giọng ngọng bèn đọc thành Cao Nỗ. Tên đảo Côn Lôn cũng có một dị bản là Côn Nôn.
Đối với quan điểm muốn xem nhầm l/n là "đa dạng ngữ âm" chứ không phải lỗi phát âm, tôi thấy không thể chấp nhận. Nhưng để khách quan, nên đưa việc này ra hỏi các chuyên gia ngôn ngữ học.
Tôi nghiêng về xem đây là lỗi phát âm, là vì người mắc lỗi này xử lý theo kiểu "phản xạ ngược" trước các tiếng có âm đầu L hay N.
Đã mắc lỗi này rồi thì nghe người khác nói L họ sẽ nói thành N, nhìn trên giấy chữ viết thấy tiếng nào có L đứng đầu, họ sẽ đọc thành N và ngược lại. Lỗi phát âm có thể liên quan đến cấu tạo cơ thể, cấu tạo và cơ chế vận động các bộ phận tham gia phát âm...
Nhưng ở dân tộc nào cũng thấy có người phạm lỗi phát âm bên cạnh người nói đúng.
Một điểm khiến nhầm lẫn l/n không phải phương ngữ là ở chỗ, nếu là phương ngữ thì tại địa phương cụ thể kia, người nào cũng nói (phát âm) như nhau đối với một từ. Trong khi người nói ngọng l/n vẫn nói sai trong khi vẫn có người cùng vùng nói đúng.
>> Chia sẻ bài viết của bạn tại đây
Lại Nguyên Ân
Nguồn: vnexpress.net